Cách các tiêu chuẩn BIM đang phát triển trên thế giới

Trong 40 năm qua, Autodesk đã được định hướng bởi tầm nhìn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành AEC. Kể từ khi sáp nhập Revit vào năm 2002, Autodesk đã phát triển từng ngày để dẫn đầu trong việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM), nhằm cho phép hợp tác tốt hơn , thúc đẩy khả năng đưa ra quyết định và cải thiện kết quả dự án.

Chính phủ đóng vai trò ngày càng lớn trong việc thúc đẩy quá trình số hóa của ngành xây dựng: các quốc gia chiếm 75% GDP toàn cầu đã có sẵn các sáng kiến và chiến lược ​​BIM, hoặc đang trong quá trình thực hiện chúng. Các chính phủ này ban hành các chính sách BIM, để việc xây dựng được thực hiện với ít rủi ro hơn, cải thiện hoạt động và bảo trì, cũng như tối đa hóa giá trị của các dự án.

Trong video này, chúng tôi phân tích cách các tiêu chuẩn BIM đang phát triển trên toàn thế giới, tại sao các tiêu chuẩn này lại quan trọng, và mối quan hệ của ngành xây dựng với BIM đang phát triển như thế nào.

Nội dung video:

Những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng mô hình thông tin công trình, hoặc BIM, trong ngành kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng. Với BIM, người dùng có thể tạo ra bản vẽ kỹ thuật số về các đặc điểm vật lý và chức năng của công trình, cho phép các chuyên gia đưa ra quyết định sáng suốt hơn, ảnh hưởng trong suốt vòng đời dự án. Điều này sẽ giúp phân phối dự án nhanh hơn, cộng tác chặt chẽ hơn, giảm chi phí, hạn chế tối thiểu sai sót và thay đổi, cùng nhiều lợi thế khác. Nhưng trong khi ngành công nghiệp này đang sử dụng BIM phổ biến hơn bao giờ hết, khắp nơi trên thế giới đang thiếu đi các tiêu chuẩn áp dụng, khiến giải pháp này không thể phát huy hết tiềm năng của nó. Tuy nhiên, giờ đây, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi.

Giống như bất kỳ quy trình phức tạp khác đòi hỏi nhiều nhóm cộng tác, từ lâu họ đã xác định rằng các dự án được xây dựng nhờ BIM phải có một tiêu chuẩn vững chắc để tuân theo. Các tiêu chuẩn BIM được đưa ra để đảm nhận vai trò này, cho phép người dùng triển khai BIM hiệu quả và chính xác hơn, giảm thiểu nỗ lực cần thiết để phát triển mô hình, và cải thiện tính nhất quán giữa các dự án và các bên liên quan. Lợi thế của các tiêu chuẩn này có vẻ vô cùng rõ ràng, nhưng việc thiết lập chúng thì không dễ dàng như vậy, và có sự khác biệt lớn về tính khả dụng và ứng dụng của chúng trên toàn thế giới.

Châu Âu là nơi hội tụ một số nhà áp dụng BIM hàng đầu, và một số quốc gia đã được khen ngợi về các phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn BIM. Một trong những tiêu chuẩn đầu tiên được giới thiệu ở Anh vào những năm 1990, trong thời kỳ phát triển của máy tính và trước khi BIM chính thức trở thành một thuật ngữ. Được gọi là CIS/2, nó cho phép trao đổi thông tin một cách liền mạch dựa trên máy tính, trong quá trình thiết kế và xây dựng kết cấu khung thép.

Gần đây, vào năm 2011, chính phủ Vương quốc Anh đã tuyên bố rằng từ những năm 2016 trở đi, tất cả các dự án công cộng được đấu thầu phải thực hiện tối thiểu cộng tác 3D hoặc BIM cấp 2, dựa trên tiêu chuẩn PAS 1192 phần 2. Bộ tiêu chuẩn này đã có tác động lớn trong việc nâng cao nhận thức về BIM trong toàn ngành tại Anh, nhưng sau đó đã được thay thế bởi một tiêu chuẩn quốc tế toàn diện hơn, mà chúng tôi sẽ đề cập sau đây.

Là nơi xây dựng một số dự án lớn nhất trên thế giới trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đến những lợi ích từ BIM và các công nghệ kỹ thuật số khác. Nhưng trong khi các công trình lớn như Tháp Thượng Hải được áp dụng BIM triệt để, tổng thể hoạt động ngành xây dựng của đất nước này vẫn còn rời rạc. Việc áp dụng BIM ở Trung Quốc được dẫn dắt bởi Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị. Họ đã công bố kế hoạch 5 năm vào năm 2011, nhằm mục đích tăng cường áp dụng BIM. Nhưng bởi vì đây chỉ là đề xuất thay vì chính sách bắt buộc, nó chỉ mang đến những tiến bộ nhỏ. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó được thay thế bởi một kế hoạch khác vào năm 2016, trong đó đặt ra các cách thức áp dụng BIM sẽ được dẫn dắt bởi Chính phủ, với những chính sách mới nhằm phát triển các bộ hướng dẫn và tiêu chuẩn. Trung Quốc hy vọng đạt tới một mức mà BIM sẽ trở thành lợi thế kinh doanh cho ngành xây dựng, dẫn đến cải thiện hiệu quả, giảm sai sót, và thúc đẩy hợp tác.

Ở Bắc Mỹ, Mỹ là đất nước đầu tiên áp dụng BIM, với các mô hình thông tin công trình được phát triển sớm nhất vào những năm 1970. Nhưng, mặc dù có xuất phát điểm với ứng dụng của công nghệ, nó đã không có lệnh áp dụng trên toàn quốc. Thay vào đó, một số cơ quan và chính quyền Liên bang lớn đã đưa ra các quy định BIM của riêng họ, giúp tăng cường áp dụng BIM, nhưng cũng yêu cầu các nhà thầu, kiến trúc sư và kỹ sư phải nắm bắt nhiều tiêu chuẩn.

Khi một số người tin rằng nước Mỹ đang bị thụt lùi so với thành quả mà nó vốn có thể đạt được, những người khác lại cho rằng mức độ hoàn thiện của BIM trên khắp cả nước, cũng như quy mô và sự đa dạng của lĩnh vực xây dựng, chứng tỏ rằng quy chế áp dụng BIM có thể là không cần thiết. Cũng đã có nhiều tiến bộ đầy hứa hẹn với tiêu chuẩn BIM Hoa Kỳ, nhằm cải thiện tính nhất quán của việc sử dụng BIM tại quốc gia này.

Khu vực Nam Mỹ cũng đã đạt được một số bước tiến lớn trong việc triển khai BIM, bắt đầu với việc khởi động Sáng kiến Kế hoạch BIM của Chính phủ Chile. Thông qua ứng dụng của BIM, một tiêu chuẩn mới đã được giới thiệu vào tháng 6 năm 2019, đặt ra tầm quan trọng của phương pháp luận BIM trong việc triển khai và vận hành các dự án công cộng từ năm 2020.

Các quốc gia khác trên khắp lục địa đã nhanh chóng làm theo. Chỉ hai tháng sau, Argentina đã vạch ra cách tiếp cận của riêng mình trong việc áp dụng BIM, với tên gọi là Strategic BIM Argentina, hay E-BIM-AR, cũng như SIBIM – một chương trình nhằm triển khai BIM trên toàn quốc. Brazil cũng đang xem xét cho chiến lược quốc gia, trong khi Peru đang chuẩn bị đưa ra tiêu chuẩn của riêng mình và Colombia đang ban hành một bộ hướng dẫn mới.

Các tiêu chuẩn BIM quốc tế đầu tiên, ISO 19650 phần 1 và 2 được ban hành vào đầu năm 2019 bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế, và được dựa trên các tiêu chuẩn của Anh, giống như đã được đề cập trước đó. Chúng được đưa ra nhằm mục đích cung cấp khuôn khổ cần thiết cho các nhà thầu và nhà thiết kế từ nhiều quốc gia khác nhau để hợp tác hiệu quả hơn, đồng thời khuyến khích việc áp dụng BIM. May mắn thay, với những tác động mà chúng ta thấy hiện nay, chúng ta có thể lạc quan rằng, xây dựng một ngành công nghiệp hoàn toàn dựa trên kỹ thuật số, có thể tạo ra các dự án tốt hơn và hiệu quả hơn, đang hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta.

Nguồn: Autodesk Construction Cloud

Editor: Huong Luu Thanh – Ebim Vietnam

chuyên gia tư vấn bộ giải pháp BIM - autodesk hàng đầu khu vực asean