8 lợi ích hàng đầu của BIM trong ngành xây dựng

Trong vài thập kỷ qua, Mô hình xây dựng thông tin, hay còn gọi là BIM, đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành kiến trúc và kỹ thuật. Tuy nhiên, đối với ngành xây dựng, việc áp dụng BIM cuối cùng đã trở thành một xu hướng chủ đạo. Sự xuất hiện của BIM đã làm cho việc phân phối dự án trở nên kết nối hơn, tạo cơ hội cho dữ liệu mô hình được sửa đổi, chia sẻ và quản lý trong suốt vòng đời của dự án.

Theo báo cáo của Công cụ Nghiên cứu Thị trường năm 2019, “thị trường BIM toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt 13,2 tỷ đô la vào cuối năm 2024, cho thấy mức tăng trưởng đáng kể với hơn 18% CAGR  từ năm 2017 đến năm 2024”. Rõ ràng, BIM được dự đoán ​​sẽ mạnh mẽ phát triển trong vài năm tới; tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đều đang phát huy hết khả năng của giải pháp công nghệ này.

Dưới đây, chúng ta sẽ khám phá 8 lợi ích hàng đầu của BIM trong việc xây dựng và đưa ra cái nhìn tổng quan về cách bắt đầu triển khai chiến lược BIM trong tổ chức.   

Mục lục bài viết

1. Tăng cường hợp tác và giao tiếp 

Với BIM, dù ở bất kể vị trí, vai trò hoặc giai đoạn nào của dự án, các nhóm cộng tác được phối hợp chặt chẽ và trao đổi thông tin với nhau. Quyền truy cập vào mô hình thông tin cho phép các bên liên quan của dự án có thể giao tiếp trong thời gian thực một cách nhanh chóng và hiệu quả khi có vấn đề phát sinh, RFI hay yêu cầu thay đổi.  

BIM hiệu quả nhất khi tất cả mọi người tham gia đều có quyền truy cập thông tin. Có nghĩa là bạn sẽ cần cộng tác với các bên liên quan chính của dự án – bao gồm nhà thiết kế, kỹ sư, kiến ​​trúc sư, chủ đầu tư, nhà thầu phụ và nhà cung cấp – để mọi người đều có quyền tham gia và sử dụng công nghệ, nhằm liên kết từ xa giữa văn phòng và công trường xây dựng.

2. Tăng khả năng phối hợp và năng suất  

Khoảng 24% công việc bị yêu cầu làm lại do thông số kỹ thuật và chuỗi cung ứng thiếu chi tiết hoặc không chính xác. BIM cung cấp một môi trường dữ liệu chung, giúp các nhóm phát hiện xung đột, nhằm giải quyết vấn đề tại các khu vực cần được chú ý. Bằng cách phát hiện và tránh xung đột, dự án có thể giảm số lượng công việc cần làm lại, tiết kiệm thời gian cho bất kỳ công việc nhất định nào quan trọng hơn.

Ngoài ra, với BIM, bạn có thể lập kế hoạch công việc trước khi bắt đầu xây dựng. BIM có thể giúp dự án tránh những thay đổi vào phút cuối và các vấn đề không lường trước được, bằng cách cho phép bạn dễ dàng xem xét và đánh giá trên nhiều lĩnh vực của dự án đó. Hơn nữa, các nhóm cũng có quyền truy cập vào mô hình thông tin được cập nhật mới nhất, tối thiểu hóa sự rắc rối và tăng hiệu quả công việc.

3. Cải thiện chất lượng tổng thể và hiệu suất thành quả dự án cuối cùng

Một trong những lợi ích hàng đầu của BIM là nó có thể giúp bạn đo lường các cải tiến và xác định các phương pháp hay nhất, giúp mọi công việc trở nên tốt hơn so với công việc trước đó. Ngoài ra, việc thiết lập các KPI xây dựng và đo lường kết quả có thể giúp bạn nhận thấy ROI trên khoản đầu tư của mình. Sử dụng BIM, việc cung cấp chất lượng ngay từ giai đoạn đầu của dự án sẽ hiệu quả hơn nhiều, do có mức độ chi tiết cao hơn và giảm khả năng xảy ra sai sót. 

Trong khi BIM mang lại lợi ích từ giai đoạn thiết kế ban đầu, việc tiếp cận với thông tin phong phú từ các mô hình cũng cải thiện sự hài lòng của khách hàng, bằng cách đảm bảo chủ đầu tư và người điều hành có đủ dữ liệu họ cần, để vận hành công trình hiệu quả trong suốt vòng đời của nó.  

4.  Kiểm soát chi phí tốt hơn và tuân thủ ngân sách 

Một nghiên cứu của McKinsey cho thấy, 75% các công ty đã áp dụng BIM báo cáo lợi nhuận tích cực từ các khoản đầu tư của họ. BIM có thể giúp bạn tiết kiệm chi phí bằng nhiều cách, nếu bạn nắm bắt đầy đủ lợi thế từ giải pháp công nghệ này. 

Đầu tiên, việc sử dụng BIM giúp tự động hóa thông tin, cho phép bạn ước tính chi phí tốt hơn theo thời gian. Hơn nữa, sự hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu có thể giúp giảm phí bảo đảm đấu thầu trước rủi ro, giảm chi phí bảo hiểm, ít biến động tổng thể hơn và ít cơ hội yêu cầu bồi thường hơn. Ngoài ra, một cái nhìn tổng quan về dự án trước khi bắt đầu xây dựng sẽ mở ra cơ hội cho việc tiền chế, để giảm lãng phí vật liệu không sử dụng.   

5. Tăng cường hiệu suất an toàn của dự án 

Xây dựng là một trong những ngành công nghiệp nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, sử dụng BIM là một cách để giúp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của công nhân. Bằng cách sử dụng mô hình 3D để hình dung một tòa nhà, các bên liên quan có thể đánh giá các khu vực có rủi ro cao hơn và chuẩn bị cho các biện pháp an toàn tốt hơn. Dữ liệu BIM cũng có thể xác định các cơ hội cho giai đoạn tiền chế, tối thiểu hóa công việc ở các khu vực còn khó khăn về mặt công thái học, do đó giảm thiểu rủi ro và cải thiện độ an toàn trên công trường.  

6. Loại bỏ các kho dữ liệu 

Trước đây, ngành xây dựng đã hoạt động một cách rời rạc, với một mức độ gián đoạn cao giữa các giai đoạn của dự án và sự không chắc chắn trong việc đưa ra quyết định trong suốt dự án. BIM, đặc biệt là trong môi trường xây dựng được kết nối, loại bỏ các kho dữ liệu. Do đó, một chiến lược BIM vững chắc có thể đẩy mạnh khả năng hoạt động giữa các giai đoạn công việc và tăng cường kết nối trong suốt quá trình dự án, cho phép các bên liên quan tối ưu hóa quy trình làm việc.  

7. Tăng tính linh hoạt với quyền truy cập tại chỗ  

Một trong những lợi ích hàng đầu của BIM là khả năng cung cấp thông tin quan trọng của dự án tới công nhân xây dựng – cho phép họ dành nhiều thời gian hơn để xây dựng, thay vì phải dành một khoảng thời gian lớn tìm kiếm thông tin. Với công cụ dựa trên nền tảng đám mây, dữ liệu được thu thập tại công trường thông qua thiết bị di động, và liên kết trực tiếp tới mô hình thông tin. Do đó, các thành viên trong nhóm có thể truy cập thông tin dự án từ một hệ thống duy nhất, và mọi nhiệm vụ hoặc thay đổi có thể được thực hiện trong thời gian thực. Đối với các quy trình công việc như RFI và đệ trình, tính minh bạch là điều cần thiết để thành công, mọi phương thức giao tiếp đơn lẻ – chẳng hạn như đánh dấu và báo cáo vấn đề – đều được ghi lại để tìm kiếm, giúp truy cứu trách nhiệm dễ dàng.

8. Xác minh công việc trong môi trường kỹ thuật số trước khi bắt đầu xây dựng thực tế

Hình dung mô hình dưới dạng 3D đảm bảo độ chính xác tốt hơn cho việc bắt đầu xây dựng dự án trong thực tế. Khi sử dụng công nghệ mô phỏng, các bên liên quan của dự án có thể xác định và khắc phục các sai sót trong thiết kế, trước khi phải đối mặt tại hiện trường, điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí về lâu dài.

Ngoài ra, mô hình 3D cho thấy dự án sẽ phát triển tuần tự như thế nào, bao gồm các thông tin như thời gian thực hiện và thời gian xây dựng dự kiến. Điều này hỗ trợ tổ chức trong việc phát hiện các vấn đề về lịch trình trước thời hạn, ngoài việc cải thiện khả năng dự đoán và hiệu suất làm việc.

Khám phá những lợi ích của BIM trong xây dựng 

Những lợi ích của BIM là vô giá đối với ngành xây dựng. Khi bạn đầu tư vào BIM, bạn đầu tư vào chất lượng tốt hơn, chi phí thấp hơn, sự an toàn được đảm bảo hơn và sự hài lòng của khách hàng cao hơn. Các dự án sử dụng BIM có cơ hội thành công cao hơn, tối đa hóa hiệu quả trong mọi giai đoạn của vòng đời dự án, và hơn thế nữa.   

 

Nguồn: Autodesk Construction Cloud

Editor: Huong Luu Thanh – Ebim Vietnam

chuyên gia tư vấn bộ giải pháp BIM - autodesk hàng đầu khu vực asean