Công trình xây dựng thời Trung Cổ: 4 trong số những tòa lâu đài đáng kinh ngạc nhất của Châu Âu

Rất ít công trình còn có thể tồn tại từ thời Trung Cổ, mà đặc biệt, vẫn giữ được nét độc đáo ban đầu và khiến con người phải kinh ngạc, trầm trồ. Những tòa lâu đài là những công trình kiến trúc ấn tượng và tuyệt đẹp nhất, được tạo ra nhằm củng cố các điểm chiến lược, chống lại sự xâm lược, hoặc đóng dấu chính quyền trên đất liền; thời nay, những công trình kiến trúc này được ví tương đương với các dự án cơ sở hạ tầng dân dụng lớn. Từ góc độ xây dựng, những câu chuyện về cách các tòa lâu đài được tạo nên, phát triển, mất đi và được trùng tu lại, luôn thật hấp dẫn, từ những nhà quý tộc đầy tham vọng, đến những người tiên phong về kiến trúc và những nhà quản lý dự án siêu phàm. Dưới đây là những câu chuyện về bốn trong số những tòa lâu đài đáng kinh ngạc nhất của châu Âu.


Mục lục bài viết

1. Xây dựng cho Cuộc chinh phạt Norman

Nhà chinh phạt William đã xây dựng Tháp London sau Cuộc chinh phạt Norman thành công vào năm 1066 – tòa lâu đài đã thống trị đường chân trời thành phố thủ đô của Vương quốc Anh trong gần một nghìn năm vào những năm 1070. Tòa tháp hẳn là một biểu tượng đáng sợ của quyền lực Norman đối với những người Anglo-Saxon bị chinh phạt. 

Tháp London (Nguồn: Wikipedia)

Tháp London được thiết kế bởi Gundulf của Rochester. Ở thời điểm đó, các lâu đài bằng đá mới bắt đầu trở nên phổ biến; những người thợ xây dựng đã được triệu tập từ Normandy ở miền Bắc nước Pháp, mặc dù phần lớn công việc được hoàn thành bởi người dân địa phương. Vào năm 1078, công trình kiến ​​trúc lâu đời nhất của lâu đài là Tháp Trắng được bắt đầu khởi công, và được hoàn thành sau đó hai thập kỷ vào năm 1100. Kể từ đó, tòa tháp được mở rộng và tu sửa bởi nhiều vị vua và hoàng hậu qua từng thời kỳ. Theo thời gian, tòa tháp được sử dụng làm nơi ở của Hoàng gia, Xưởng đúc tiền Hoàng gia, và là nhà tù dành cho những tù nhân nổi tiếng như Anne Boleyn và Thomas Cromwell. Chính bởi lịch sử phong phú này, Tháp London đã trở thành điểm thu hút khách du lịch hấp dẫn, khi đến thủ đô của Vương Quốc Anh. 

Mặc dù nhiều thế kỷ đã trôi qua, cùng với việc trải qua trận bom của London trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Tháp Trắng vẫn đứng vững và duy trì như ban đầu cho đến ngày nay. Việc phòng thủ của tòa lâu đài chỉ thất bại một lần, đó là trong Cuộc nổi dậy của Nông dân năm 1381, khi các cánh cổng thực sự bị bỏ mở. 

Công trình Tháp London là một di sản lâu đời mà Nhà chinh phạt William đã để lại; mặc dù, điều đáng quan tâm là với tần suất các tòa nhà chọc trời xuất hiện đang dần lấn chiếm trong thành phố, Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng Di sản Thế giới này có thể một lần nữa bị đe dọa.

 

2. Pháo đài nơi cất giữ bức tranh Mona Lisa

Viện bảo tàng Louvre ở Paris là một trong những bảo tàng nghệ thuật, cũng như kỳ quan kiến trúc hiện đại nổi tiếng thế giới. Nhưng có thể nhiều người không biết rằng Viện bảo tàng có tiền thân là Château du Louvre – lâu đài được xây dựng bởi Vua Philip II. 

Lâu đài Château du Louvre (Nguồn: Wikipedia)

Vua Philip chuẩn bị khởi hành cuộc Thập tự chinh lần thứ ba vào năm 1190, nhưng điều đáng lo ngại là nguy cơ bị xâm lược khi nơi đây vắng mặt ông, đặc biệt là từ những người lính Anh đóng quân tại Normandy. Ông quyết định xây những bức tường bao quanh thành phố, trong đó có một lâu đài bên bờ sông Seine. Công trình đã được triển khai những cải tiến kiến trúc mới nhất, nhằm tối ưu hoá cấu trúc để bảo vệ trước những kẻ tấn công. Có mười tháp phòng thủ và một con hào khô được lót bằng các tấm chắn, các cạnh bằng đá khiến việc mở rộng quy mô trở nên khó khăn hơn. Với chiều cao lên tới 30 mét, những kẻ xâm lược đã khó có thể tiếp cận tòa tháp này; và quy mô của tòa tháp cũng khiến nó nhanh chóng trở thành một biểu tượng. 

Château du Louvre đóng vai trò như một pháo đài bảo vệ trong nhiều năm, cho đến khi Charles V quyết định biến nó thành nơi ở của Hoàng gia vào năm 1360. Đến thời đại của Francis I, ông đã phá bỏ hầm lưu trữ để xây dựng cung điện theo phong cách Phục Hưng, nơi ông cất giữ các kho báu, bao gồm cả bức tranh Mona Lisa. Nhưng phải đến thời Henri IV, vào cuối những năm 1500, các yếu tố thời trung cổ cuối cùng đã bị phá hủy. 

Sau những cuộc tu sửa và đổi mới, ngày nay, công trình kiến trúc này đã trở thành viện bảo tàng nổi tiếng thế giới; tuy nhiên, hầm ngục, hầm lưu trữ và một số bức tường của lâu đài được phát hiện còn sót lại sau những cuộc khai quật. Du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng những tàn tích của lâu đài thời trung cổ dưới lòng đất này và tham quan những di tích ở đó hàng trăm năm trước. 

 

3. Tòa lâu đài vĩ đại nhất chưa từng được hoàn thành

Vua Edward I đã bắt tay vào một chiến dịch tàn bạo để chinh phục phía bắc xứ Wales sau năm 1282; và để đánh dấu sự thống trị của mình, ông đã triển khai xây dựng các tòa lâu đài. Bắt tay cùng kiến trúc sư vĩ đại nhất bấy giờ – James của St George, ba tòa lâu đài tại Caernarfon, Harlech và Conwy đã được tạo ra. Nhưng nổi bật nhất là “tòa lâu đài vĩ đại nhất chưa từng được hoàn thành” ở Beaumaris. 

Lâu đài Beaumaris (Nguồn: Wikipedia)

​​Lâu đài được khởi công vào năm 1295, sau khi quân nổi dậy xứ Wales tạm thời chiếm đóng đảo Anglesey. Sở dĩ tòa lâu đài được đặt tên là Beaumaris – trong tiếng Pháp có nghĩa là  “đầm lầy bằng phẳng”, là vì công trình được xây dựng tại diện tích đất trống của một đầm lầy trên đảo. Lâu đài khổng lồ được thiết kế đối xứng, với bốn vòng phòng thủ đồng tâm, bao gồm một con hào với bến tàu riêng.

Có nhiều thách thức phát sinh xoay quanh công trình này mà hàng thế kỷ sau vẫn có thể liên tưởng. Chỉ riêng việc xây dựng đã yêu cầu trung bình 1800 công nhân, với tiền lương hàng tuần là 270 bảng Anh; điều này đã khiến dự án nhanh chóng bị phá sản, buộc các giám thị phải phát hành thẻ da thay vì tiền mặt. Một kiến trúc sư lúc bấy giờ đã bộc bạch với nhà vua rằng họ còn nợ rất nhiều tiền lương công và không còn gì để tiếp tục xây dựng công trình, nên đã không thể giữ chân những người công nhân đó, 

Cuối cùng việc xây dựng tòa lâu đài khổng lồ này đã bị bỏ dở, khi Edward chuyển sự chú ý của mình sang cuộc chiến tranh ở Scotland. Với tổng chi phí lên tới 15.000 bảng Anh, Beaumaris đã không bao giờ có thể được hoàn thành. Cho tới ngày nay, tòa lâu đài vẫn được ca tụng như một kỳ quan kiến ​​trúc thời Trung cổ vĩ đại. 

 

4. Quy tắc phục hồi

Tòa lâu đài thứ tư được đề cập được xây dựng ở ven hồ Geneva, vị trí quan trọng từ góc độ quân sự, nằm trên một con đèo của Alpine nối Pháp, Đức với Ý. Trước khi Lâu đài Chillon được xây dựng vào thế kỷ thứ mười, đảo Chillon có tiền thân là nơi ở của người La Mã. Một trong những phần thú vị về lịch sử lâu đời của toà lâu đài nằm ở việc nó được trùng tu vào cuối thế kỷ XIX.

Lâu đài Chillon (Nguồn: Wikipedia)

Sau khi được quyết định bởi nhà sử học Johann Rudolf Rahn rằng việc trùng tu phải giữ nguyên cấu trúc ban đầu của toà lâu đài; trong suốt những năm 1890, một nhóm các nhà sử học nghệ thuật và kiến ​​trúc sư nổi tiếng đã tiến hành các cuộc nghiên cứu và khảo sát khảo cổ học, nhằm thu được nhiều thông tin nhất có thể về cấu trúc của nó.

Tính minh bạch vô cùng được quan tâm trong quá trình trùng tu này, khi các vật liệu sử dụng được đánh dấu chi tiết, và toàn bộ quá trình được ghi chép cẩn thận bằng các bản kế hoạch và hình ảnh minh hoạ – quy trình hay còn gọi là quản lý dữ liệu trong thời đại phát triển hiện nay. 

Học hỏi và tuân theo sự dẫn dắt của những người tiên phong này sẽ rất quan trọng trong việc bảo tồn những lâu đài vĩ đại của Châu Âu trong nhiều thế kỷ tới.

 

Credit: Autodesk Construction Cloud, Wikipedia

Editor: Phuong Anh Nguyen – Ebim Vietnam 

 

chuyên gia tư vấn bộ giải pháp BIM - autodesk hàng đầu khu vực asean