Mỗi dự án áp dụng BIM yêu cầu sự tham gia của nhiều cá nhân, với mỗi chức danh và nhiệm vụ khác nhau. Nhưng tất cả đều được biết đến với tên gọi Nhân sự triển khai (BIM People), bao gồm: BIM Manager, BIM Specialist, Bim Coordinator, BIM Technician và BIM Modeler. Tuy nhiên phụ thuộc vào độ phức tạp và độ lớn của dự án, mà các chức danh và vai trò được phân bổ rộng rãi và đầy đủ hơn. Nói cách khác, những dự án lớn và phức tạp thường bao gồm đầy đủ các vai trò được đề cập ở trên. Ngược lại, đối với dự án nhỏ hơn và ít phức tạp hơn, 3 vị trí cần thiết là BIM Manager, Coordinator và Modeler; BIM Specialist và BIM Techinician đóng vai trò là cố vấn, chuyên gia tư vấn kỹ thuật trong trường hợp đặc biệt.
BIM Manager và BIM Specialist đóng vai trò quản lý mang tính chiến lược trong tổ chức. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào mô tả công việc tổng quan, sự khác biệt giữa hai vị trí này là khá khó để miêu tả; điều này cần được quan sát kĩ hơn thông qua quy trình làm việc cụ thể. BIM Specialist đóng vai trò biên soạn, đệ trình tất cả các tài liệu để đáp ứng được yêu cầu hợp đồng; và BIM Manager sẽ là người phê duyệt các đệ trình đó. Khoảng cách về thời gian sẽ là một thách thức lớn đối với việc tiếp cận BIM. Kinh nghiệm từ những cá nhân đi trước với sự giúp đỡ từ những cá nhân trẻ có kiến thức tốt hơn về BIM, sẽ là sự kết hợp hoàn hảo; và đó cũng chính là sự ra đời của vai trò BIM Specialist. Chỉ trong khoảng 5 năm nữa thôi, khi các kỹ sư trẻ tiếp cận với BIM sớm hơn, họ sẽ nắm bắt được các vị trí mang tính chủ chốt trong một dự án xây dựng; lúc đó, hai vị trí này sẽ không có sự tách biệt, mà sẽ được kết hợp, với tên gọi BIM Manager.
BIM Technician và BIM Modeler là hai vị trí có đặc điểm chung về nhiệm vụ tạo lập cơ sở dữ liệu BIM của dự án, phát triển nguồn thư viện đặc thù của mỗi doanh nghiệp. Mặt khác, tiêu chí để phân biệt hai vị trí này là thời gian và kỹ năng nghề nghiệp, hay tổng thời gian đã tích luỹ được khi làm việc liên tục trên một nền tảng BIM nào đó. Đối với BIM Modeler, tổng thời gian làm việc cần tích luỹ được là khoảng 500-3000 giờ; còn đối với BIM Technician là khoảng 3000-5000 giờ. Về hiệu suất làm việc, BIM Modeler sẽ hoàn thành được khoảng 1000-1500m2 sàn trong một ngày; còn đối với BIM Technician là khoảng 5000m2 sàn/1 ngày làm việc 8 tiếng. Ở phương diện kỹ năng, BIM Modeler thường chỉ nắm được hoặc thành thạo các kỹ năng làm việc đơn lẻ trên một phần mềm cụ thể; BIM Technician được đòi hỏi cao hơn, khi họ phải nắm được quy trình làm việc nhóm (worksharing), quy trình cộng tác thiết kế (collaborating) và có thể tự mình kiểm soát được chất lượng của sản phẩm đầu ra (model review). Sau khi tích luỹ đủ thời gian làm việc khoảng 5000 giờ liên tục, BIM Technician lúc đó sẽ được chuyển lên một vị trí khác cao hơn trong dự án là BIM Coordinator. Đúng như tên gọi của mình, BIM Coordinator sẽ thực hiện công tác điều phối các bộ môn trong một dự án. Sự khác biệt giữa BIM Coordinator với các chức danh thấp hơn không phải là kỹ năng sử dụng phần mềm BIM, mà là kinh nghiệp nghề nghiệp và chuyên môn phù hợp. BIM Coordinator phải có đầy đủ hai yếu tố này, để có đủ năng lực đưa ra các giải pháp đề xuất xử lý báo cáo va chạm một cách hiệu quả nhất.
Tải tài liệu PDF toát yếu vai trò, nhiệm vụ và yêu cầu chuyên môn của Ban Quản lý BIM dự án, tại đây